Ký sự hoa lan - kỳ 1: Corybas annamensis Aver. 2007.

Cập nhật lúc: 10:50 09/08/2018

Đây không phải là chuyện kể lại về những chuyến đi, nhưng nó là một phần của những chuyến đi của mình, phần về hoa lan. Tất nhiên, để có hoa lan, thì phải có những chuyến đi và những câu chuyện, những con người, địa điểm trong những chuyến đi ấy sẽ được lướt qua. Chủ yếu mình vẫn muốn giới thiệu hoa lan mà thôi.

Có quá nhiều chuyến đi, quá nhiều ảnh chụp hoa lan để chọn, mà lại không biết chọn thế nào, thôi thì mình chọn chuyến đi gần nhất, rồi sau đó sẽ dần đến những chuyến đi xưa hơn vậy.

Cuối tháng 7, mưa dầm, những cơn mưa giữa mùa mưa trên Tây Nguyên rả rích và dai dẳng như tình yêu của những cô gái sơn nữ Ê Đê, M Nông, K'Ho vậy. Mình chờ đợi vài ngày nắng đẹp, chỉ vì cái cồn cào nhớ màu xanh như nghiện cafe hàng ngày vào buổi sáng ấy. Đã có hẹn với một nhóm ở Pleiku đi thực địa bên ấy với Phạm Võ Hiến, nhưng cũng có 1 cuộc hẹn vu vơ với Bidoup qua câu nói : Mai em đi vào khu ấy xem nó nở hoa chưa. Trước khi chuyến đi Pleiku 2 ngày, tin nhắn trả lời : Nó đang nở rồi anh ạ! Thế là bẻ cung. Bidoup vẫy gọi, trên trời mây vẫn xám, nhưng cao hơn, thi thoảng có nắng.

Corybas, chi hoa Lan mới được mô tả cho thực vật Việt nam năm 2007 bởi GS người Nga L. Averyanov tại VQG Bidoup, và loài được mô tả là Corybas annamensis là một trong những loài lan đặc hữu, phân bố rất hẹp trên những tán rừng hỗn giao ở độ cao 1700m, quanh năm mây phủ. Cây mọng nước, chỉ có 1 lá nhỏ cỡ 2cm, hoa màu đỏ, có vài sợi râu dài đến 5cm, cũng chỉ 1-2 ngày là tàn. Bởi thế, cần phải tận dụng thời gian, nếu không ta đành phải đợi thêm 1 năm nữa.

Xuất phát lúc 9 giờ sáng ở Buôn Ma Thuột, tránh được vài cơn mưa khi thì đi lướt qua, khi thì đuổi mưa, khi thì mưa đuổi.

Mình và Phạm Võ Hiến tranh thủ chạy qua những đầm lầy ven QL 27 để xem có cây lan nào trên ấy không, nhưng khó quá đành bỏ qua vì mùa mưa, đầm lầy nước lên rất cao, không lội vào được. Đành phải vừa đi vừa ngắm cảnh. Rẽ vào 1 con đường không quen thuộc lắm với mình, dưới sự chỉ dẫn của chuyên đi đường tắt Phạm Võ Hiến, nhưng thật không ngờ, lại có thể vô tình thấy được một vài quần thể, bụi.. những loài lan như Trứng bướm, Linh tử lan, Bạch hạc thật lớn ven đường như một cái duyên với hoa lan vậy.

Thực ra, theo nghi ngờ, có thể ở Đà Lạt, vẫn còn một loài Corybas mới nữa, mình theo sự chỉ dẫn của một người bạn, len lỏi và đã thấy, rất tiếc không có hoa. Thế nhưng lại gặp được vài loài Lan hiếm khác ( sẽ nói ở những kỳ tiếp theo). Vì thế thời gian buổi chiều hôm sau lại trống ra, hai anh em cùng với Trương Quang Cườngquyết định phóng ngay 70km sau bữa trưa để đến nơi có hoa nở. Ông trời cũng hay dọa lắm, thỉnh thoảng cho 1 đám mây bay qua đầu, tưới dọa dẫm vài hạt mưa.

Cũng may, đến nơi, trời không mưa, ánh sáng đủ để chụp ảnh, và rất lạ, nền rừng khu ấy hôm đó lại rất khô ráo. Lúc về ông Phạm Võ Hiến lại còn được nguyên rừng sậy nữa chứ (kỳ sau mình sẽ kể).
600 km đi về để chụp hình hoa của 1 loài lan, chưa phải là max hâm như anh Chu Xuan Canh với 1000km đi về chỉ để chụp 2 bông hoa, bay hơn 2000km khứ hồi chỉ để chụp ảnh 1 bông lan hài, nhưng chính sự đam mê, độ hâm ấy của anh đã soi sáng con đường cho mình. Thật không biết nên hận hay yêu anh giai đây!

Mọi người thưởng thức thành quả nhé : Corybas sp. và Corybas annamensis.

Cảm ơn Phạm Võ Hiến đã đồng hành và cảm ơn Trương Quang Cường đã cùng lăn lê bò toài với anh em!

Xem chi tiết tại https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10211060083200496&set=pcb.10211060088520629&type=3&theater

Nguyễn Văn Cảnh