Ký sự hoa Lan - Kỳ 3: CĂN DIỆP TRẮNG, MÔI NỨT TRẮNG - Chiloschista exuperei (Guillaumin) Garay 1972

Cập nhật lúc: 11:07 11/09/2018

Về loài hoa đăc biệt, chỉ một đoạn thân rất ngắn với chùm rễ căng mọng và chùm hoa bền bỉ này là một câu chuyện rất dài, xuyên suốt vài năm và ở vài địa danh khác nhau, xa nhau vài trăm cây số, nhưng không nói lên rằng nó phổ biến, mà ở những vùng có nó, nó mọc ở khu vực rất hẹp, trên những cây chủ thuộc họ Tùng.

Hồi ấy mình chưa lấy vợ, nhưng đã quen vợ mình, hay đi xuống nhà vợ mình chơi. Trên đường đi có qua một cái cầu, mà nhờ một cái cây Tùng đặc biệt mọc gần đó đã làm nó đặc biệt, cầu Rossi, nó được biết đến như là 1 trong 3 nơi còn lại của Việt Nam tồn tại những cá thể sống của loài Thủy tùng gần như tuyệt chủng. Cây Thủy tùng mọc chơ vơ cô đơn trong 1 bãi đất cạnh cầu. Đi qua nó nhiều lần, cũng chẳng chú ý đến nó nhiều, nhưng có một lần thấy được trên những cành cây khẳng khiu của nó có chút màu trắng, vội lấy máy ảnh zoom lại, thì mới biết, những điểm trắng ấy là những chùm hoa của loài Căn diệp trắng - Chiloschista exuperei (Guillaumin) Garay 1972 . Những chùm hoa nhỏ bé màu trắng muốt nở ra từ những búi rễ bám hờ hững trên những cành Tùng nhỏ bé thật đẹp, thật cuốn hút. Mình đã phải 3-4 lần đi qua mà phải dừng lại để ngắm, mặc dù nếu không dùng máy ảnh, thì những bông hoa ấy chỉ là những điểm trắng xa xa trên cành Tùng. Thật tiếc, có lẽ có ai đó cũng biết đó là lan, và chúng đã bị gỡ đi gần như sạch sẽ. Lần gần đây nhất, trên cành Tùng chỉ còn sót lại vài chùm hoa ít ỏi mà thôi.

Sau đó vài năm, gần đây, do công việc, mình thường hay đi qua Di Linh, và cũng như gần đây mình có 1 bài về những cây Căn diệp trắng trên những cây Tùng ở nhà thờ Di Linh, mình tình cờ gặp lại những bông hoa trắng này lấp ló trong tán những cây Tùng trồng trong sân của Nhà thờ. Đã 2 năm liên tiếp, mình thường mất cả buổi chiều để lang thang trong khuôn viên nhỏ của Nhà Thờ, ngắm tận mắt, rất gần, có thể đưa tay ra chạm vào chúng... 

Nghe một vài người bạn nói, Căn diệp trắng có thể mọc rất tốt trên những cây cà phê Robusta được trồng ở những vùng ẩm của Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà... Và chúng được coi là những loài sống bám như Tầm gửi, bị bóc bỏ khỏi những thân cây cafe, nghe thật vui, mà cũng thật buồn, vui vì vẫn còn sự tái sinh cần thiết và dễ dàng của chúng trên những cây cà phê, mà có rất nhiều trong vùng, buồn vì những người nông dân không biết giá trị mà bóc bỏ chúng...

Nếu bạn nào trồng lan thấy ở vườn cà phê có mọc chúng, hãy mang chúng về nâng niu, thay vì để chúng bị bóc bỏ đi một cách uổng phí. Mình ủng hộ việc các bạn lấy những cây lan này ra khỏi những vườn cà phê, nhưng xin hãy lấy những cây trưởng thành, để lại những cây còn nhỏ, và những cây đang có quả, để chúng tiếp tục được mọc tiếp trên những cây cà phê, đợi đủ lớn rồi sẽ về các vườn lan. Nếu bạn nào ở những vùng ẩm mát và có vườn cà phê của mình, nếu có quả chín của Căn diệp trắng, hãy mang ra rắc hạt trên những cành cà phê, và bạn sẽ có thể được thấy, không chỉ hoa cà phê trắng được ví như Tuyết Tây nguyên, mà hoa Căn diệp trắng, cũng trắng đẹp không kém hoa cà phê đâu.

Nguyễn Văn Cảnh